Động lực khiến Trump đổi ý về TikTok


1029
trump nowsao
trump nowsao

Từng kiên quyết muốn chặn TikTok vì xem đây như mối đe dọa an ninh, ông Trump giờ phản đối dự luật cấm ứng dụng này, khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần.

Tháng 4/2022, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xem bộ phim tài liệu Rigged: The Zuckerberg Funded Plot to Defeat Donald Trump, cáo buộc ông chủ nền tảng Facebook Mark Zuckerberg là nguyên nhân khiến Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Bộ phim, do David Bossie, chủ tịch tổ chức bảo thủ Citizens United, sản xuất, đã làm sâu sắc thêm sự thù địch của ông Trump đối với Zuckerberg, giám đốc điều hành Meta. Cựu tổng thống cho rằng chính Zuckerberg tạo điều kiện cho nỗ lực gian lận bầu cử năm 2020, khiến ông thất bại trước đối thủ Dân chủ Joe Biden.

Giới quan sát cho rằng ác cảm ngày càng tăng của ông Trump đối với Zuckerberg, cùng sự ủng hộ của một tỷ phú đảng Cộng hòa có cổ phần lớn trong ByteDane, công ty mẹ của TikTok, cho chiến dịch tranh cử của Trump được coi là hai lý do quan trọng làm thay đổi lập trường của cựu tổng thống về ứng dụng chia sẻ video ngắn này.

Khi còn nắm quyền, ông Trump nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn với TikTok và tìm cách cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ. Song gần đây, quan điểm của ông thay đổi hoàn toàn.

Khi Hạ viện Mỹ xem xét dự luật cấm TikTok ở Mỹ, Trump đã bày tỏ quan điểm phản đối. Lý do mà cựu tổng thống đưa ra là lệnh cấm TikTok tại Mỹ sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Zuckerberg và Meta.

“Tôi không muốn Facebook, kẻ gian lận trong cuộc bầu cử gần đây nhất, có thể làm được nhiều điều hơn nữa. Họ là kẻ thù thực sự của người dân”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social tuần trước.

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Manchester, bang New Hampshire ngày 20/1. Ảnh: AP

Cựu tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động ở Manchester, bang New Hampshire ngày 20/1. Ảnh: AP

Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC ngày 11/3, ông Trump dường như tái khẳng định lập trường phản đối lệnh cấm TikTok tại Hạ viện. Ông tin rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia, song nói thêm “nếu TikTok bị cấm, Facebook và các ứng dụng khác, song chủ yếu là Facebook, sẽ được hưởng lợi lớn. Tôi nghĩ Facebook không trung thực và là ứng dụng không tốt cho đất nước chúng ta, đặc biệt trong các cuộc bầu cử”.

Steven Cheung, người phát ngôn của ông Trump, ngày 12/3 nói rằng cựu tổng thống coi quyền sở hữu TikTok của công ty Trung Quốc ByteDance là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, song đánh giá cao thực tế hàng triệu người Mỹ yêu thích ứng dụng này.

“Tổng thống Trump tin quốc hội phải hành động để bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người Mỹ trên tất cả các nền tảng mạng xã hội”, Cheung nói.

Quan điểm “quay 180 độ” của ông Trump về TikTok đã lập tức ảnh hưởng tới Đồi Capitol, đẩy các nghị sĩ Cộng hòa vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sau nhiều năm kêu gọi cấm ứng dụng vì lo ngại ByteDance có thể bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Họ muốn duy trì lòng trung thành đối với cựu tổng thống, song không muốn gây tổn hại tới lập trường trước đây về TikTok.

Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu trong ngày 13/3 về dự luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 165 ngày kể từ khi ban hành và sẽ cấm ứng dụng tại Mỹ nếu công ty không tuân thủ. Thượng viện Mỹ chưa báo hiệu có ủng hộ dự luật hay không.

Trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump năm 2020 ký sắc lệnh hành pháp, trong đó tuyên bố TikTok đe dọa “an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”. Ông rút lại lệnh cấm trước cuộc bầu cử tháng 11 năm đó, một phần vì thấy động thái này không được cử tri trẻ ủng hộ.

Các chuyên gia cho rằng sự đảo chiều trong lập trường của Trump với TikTok hiện nay cũng chịu tác động từ nỗ lực tái tranh cử vào Nhà Trắng, khi chiến dịch của ông nhận được hậu thuẫn lớn từ tỷ phú Jeff Yass, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa có liên quan tới ByteDance.

Công ty đầu tư của tỷ phú Yass nắm 15% cổ phần của ByteDance, tương đương 40 tỷ USD trong số 268 tỷ USD định giá của công ty. Khi được hỏi về được gặp gần đây với Yass, ông Trump nói rằng nhà tài trợ này “không bao giờ đề cập tới TikTok” trong những cuộc trao đổi riêng.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, ông Trump và các trợ lý đã nói về TikTok với những người có quan hệ tài chính trực tiếp với Yass. Tỷ phú Yass là nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức bảo thủ Club for Growth, đang chi tiền cho Kellyanne Conway, cựu cố vấn cấp cao của ông Trump, để bảo vệ TikTok tại quốc hội. Conway cũng đã nói chuyện với ông Trump về tầm quan trọng của việc bảo vệ ứng dụng này, theo những nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận.

Conway thông báo với cựu tổng thống rằng ứng dụng này rất phổ biến trong giới trẻ Mỹ và nhiều người ủng hộ Trump đã sử dụng nó, lập luận được nhiều đồng minh ủng hộ TikTok khác đưa ra.

“Tôi đã nói rõ rằng nhiều cử tri đang bày tỏ trên TikTok sự ủng hộ của họ với Trump và nỗ lực tái tranh cử của ông ấy”, Conway nói.

Conway cho biết bà được trả tiền để thực hiện cuộc khảo sát về lệnh cấm TikTok và trình bày kết quả cho ông Trump cùng các lãnh đạo đảng Cộng hòa. Cựu cố vấn này đưa ra 11 câu hỏi trong bảng khảo sát để xem người Mỹ thấy điều gì là quan trọng nhất để đối đầu với Trung Quốc và cấm TikTok là lựa chọn họ nghĩ tới sau cùng.

Một người khác đã tác động đến sự thay đổi lập trường của Trump về TikTok là David Urban, cố vấn lâu năm của Trump kiêm nhà vận động hàng lang cho ByteDance. Ông đã quảng bá TikTok như công cụ vận động tranh cử hiệu quả cho những người thân cận với Trump và gặp cựu tổng thống tại Mar-a-Lago tuần trước.

Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Cựu trợ lý Tony Sayegh, người phụ trách truyền thông trong tập đoàn Susquehanna International Group của tỷ phú Yass, cũng đã liên lạc với những người thân cận với ông Trump để thảo luận về TikTok. Sayegh từng là cố vấn cấp cao trong chính quyền Trump và được xem là người bảo vệ trung thành của cựu tổng thống.

Sayegh có mối quan hệ thân thiết với Jason Miller, người phát ngôn chiến dịch kiêm cố vấn chính trị của Trump. Sayegh với Miller từng học chung trường đại học và cùng làm việc tại Jamestown Associates, công ty quảng cáo và truyền thông đảng Cộng hòa.

Sayegh cũng giữ quan hệ tốt với nhiều thành viên trong gia đình Trump và trợ lý chính trị Brian Jack. Ông Trump rất yêu quý Sayegh và gọi ông là “Tony the Tax Man”, vì đóng góp của ông trong việc giảm thuế cho Tập đoàn Trump, theo một cố vấn của cựu tổng thống.

Việc ông Trump không thích Zuckerberg từ trước đã cộng hưởng với làn sóng kêu gọi bảo vệ TikTok từ những người mà cựu tổng thống tin tưởng. Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự khó chịu trước thái độ “quay ngoắt” của Trump với TikTok, cho rằng cựu tổng thống phải thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Nhưng một người thân cận với Trump cho rằng điều quan trọng là cựu tổng thống cần nhận được đủ sự ủng hộ từ cử tri để tái đắc cử, trước khi có thể đưa ra những chính sách cứng rắn đối phó Trung Quốc.